Bối cảnh lịch sử Trận_Leipzig

Tình hình chiến sự ở châu Âu năm 1813. Sau khi Napoléon thất bại trước quân Nga, lần lượt hai nước Áo, Phổ đều hợp lực với quân Nga, quay lưng chống lại người Pháp

Tuy Napoléon đánh bại Đế quốc Nga vào năm 1807Đế quốc Áo vào năm 1809, ông vẫn không thể củng cố các thắng lợi này.[16] Sau khi Napoléon thất bại trong cuộc xâm lược nước Nga và cuộc chiến tranh tại bán đảo Iberia, hệ thống liên minh của ông bị lung lay,[24] và các lực lượng chống Pháp từ từ thận trọng tập hợp lại thành Liên minh thứ sáu, bao gồm Nga, Áo, Phổ, Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số quốc gia tại Đức.[25] Tổng cộng, Liên minh có thể đưa vào chiến trường hơn một triệu quân. Thực sự thì ở thời điểm diễn ra trận đánh Leipzig, tổng số lực lượng của liên quân ở phía đông sông Rhine đã lên tới hơn một triệu người. Ngược lại, lực lượng của Napoléon đã giảm xuống chỉ còn vài trăm ngàn. Người Phổ chiến đấu trong cuộc chiến tranh này để giải phóng đất nước khỏi quân Pháp xâm lược (vốn trước đó họ luôn mong mỏi chờ cơ hội "ngàn năm có một" để tiến hành cuộc kháng chiến của mình[26]), trong khi người Nga coi cuộc chiến này là sự tiếp nối của chiến thắng của họ trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1812. Do đó, cả hai nước Phổ và Nga đều quyết tâm lật nhào chế độ Napoléon. Trong khi đó, người Áo không có được niềm nhiệt huyết của người Phổ và sự quyết tâm của người Nga: họ chỉ làm tới cùng vì mục đích chính trị, nhằm đánh cho nền thống trị của Napoléon đuối đi và phá vỡ sự nhũng nhiễu của Pháp vào Triều đình Áo, cho nên họ vẫn không hề tham chiến.[27]

Bấy giờ Napoléon cũng tái xây dựng quân đội của mình.[13] Vị Hoàng đế cố gắng khôi phục lại quyền kiểm soát của mình ở Đức và ông giành được hai chiến thắng khó nhọc trước liên quân Nga - Phổ tại Lützen ngày 2 tháng 5 và Bautzen vào ngày 20-21 tháng 5. Hai chiến thắng này đưa tới một sự đình chiến tạm thời. Vào ngày 26 tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao của Áo là Franz Georg Karl von Metternich (cũng là một trong những nhân vật quan trọng trong việc thành lập Liên minh thứ sáu) tới gặp Napoléon ở Dresden để thương lượng cho một hòa ước lâu dài hơn. Metternich đòi hỏi Napoléon phải buông bỏ hầu hết các lãnh thổ ở bên ngoài biên giới tự nhiên của Pháp, và cuộc đàm phán không đi đến kết quả.[28]

Vị Tham mưu trưởng 46 tuổi của quân đội Áo là Radetzky đã lập sẵn kế hoạch dự bị, đồng thời tổng động viên được tới 37.000 quân tinh nhuệ.[29] Sau khi hòa ước ngắn ngủi kết thúc, Napoléon giành được thắng lợi lớn trong trận Dresden vào ngày 27 tháng 8. Từ sau thời điểm này, quân Liên minh, dưới quyền chỉ huy tối cao của Đại tướng Nga là Mikhail Bogdanovich Barklay-de-Tolli và những sự chỉ huy riêng rẽ của Gebhard Leberecht von Blücher, Thái tử Karl Johan của Thụy Điển, Karl Philipp zu Schwarzenberg, và Bá tước Bennigsen của Nga, đã làm theo chiến lược được vạch ra trong Kế hoạch Trachenberg của Radetzky[30] là tránh đụng độ trực tiếp với Napoléon mà tấn công các thống chế của ông. Chiến lược này giúp họ chiến thắng trong các trận đánh ở Großbeeren, Kulm, KatzbachDennewitz.

Những chiến thắng của quân Liên minh đã lật ngược ý nghĩa của những thắng lợi ban đầu của Napoléon, đưa ông vào tình thế nguy kịch.[10][31] Trong khi ấy, Napoléon cho rằng quân Pháp phải đóng cứ thật đông tại kinh thành Dresden để hộ vệ cho vua chư hầu xứ Sachsen.[13] Thống chế Pháp Nicolas Oudinot với 6 vạn quân sĩ đã thất bại ở Großbeeren và không thể đánh chiếm được kinh thành Berlin. Napoléon vì vậy phải rút về phía tây, do sự uy hiếp từ phía bắc. Sau khi Napoléon cử Ney thế chức Oudinot ở phía bắc, từ bên kia sông Elbe quân Ney không chặn nổi quân Thụy Điển do Thái tử Bernadotte chỉ huy và thua trận Dennewitz.[17][31] Napoléon vượt sông Elbe vào cuối tháng 9, vốn đã có ý định từ bỏ nước Đức,[31] nhưng ông không thể triệt thoái khỏi chiến trường mà để cho quân ông bị các lực lượng không chính quy và quân Cossack đánh phá, chưa kể là mọi quân đội của đối phương vốn đều nguyên vẹn và sẵn sàng chiến đấu.[32] Sau đó, ông tập hợp lực lượng ở Leipzig để bảo vệ con đường tiếp vận và chạm trán với quân Liên minh. Ông triển khai quân đội xung quanh thành phố, nhưng lấy trong tâm từ Taucha đến Stötteritz, nơi ông trực tiếp chỉ huy. Lúc này thì quân Phổ tiến đánh từ Wartenburg, quân Áo và quân Nga tiến đánh từ Dresden, còn quân Thụy Điển từ phía bắc kéo tới. Đối đầu với một khối Liên minh quá ư là hùng mạnh,[4] Napoléon không thể xuất binh đánh bại từng đối phương một của ông.[10] Trong khi đó, Nga hoàng Aleksandr I đã giành lại được một số quyền chủ động về ngoại giao từ tay người Áo, trong khi vua Friedrich Wilhelm III nước Phổ vẫn là "đồng minh trung thành" của Nga. Nhà vua nước Phổ cho rằng chính ông cứ thân cận với Đế quốc Nga như thế thì ắt hẳn là thanh danh của nước Phổ sẽ gia tăng tại Đức, bất chấp Đế quốc Áo.[31] Ngoài ra, những thắng lợi tại Großbeeren, Katzbach, Dennewitz,… nêu trên đã khiến cho nước Phổ bình đẳng với Áo trong khối Liên minh.[32]

Vào ngày 6 tháng 10 năm 1813, theo thỏa thuận với Bộ trưởng Ngoại giao Metternich của Áo,[30] xứ Bayern chuyển qua khối Liên minh để bảo vệ nền độc lập của mình. Đến đây, Liên minh sông Rhine chư hầu của Napoléon bắt đầu tan rã.[10] Trong lúc ấy, Napoléon hãy còn phân vân trước tình thế và cho đến ngày 14 tháng 10 năm 1813 thì ông mới hay tin từ vua xứ Württemberg là xứ Bayern rời bỏ ông.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leipzig http://napoleonistyka.atspace.com/French_Order_of_... http://www.leipzig1813.com http://www.napoleonguide.com/battle_leipzig.htm http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://digital.ub.uni-duesseldorf.de/dfg/content/t... http://www.voelkerschlacht-bei-leipzig.de/